Tháng 3/2024 sẽ có hướng dẫn các địa phương tính

Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý nhiều lần tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 1/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông với các sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin các Bộ, ngành, đó là các đơn vị của Bộ cần tập trung làm các hướng dẫn triển khai thực hiện các công việc thuộc các lĩnh vực tại địa phương.

Các văn bản, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch do Bộ xây dựng và trình các cấp ban hành, cũng như các văn bản của Bộ ban hành… phải có hướng dẫn thực hiện để địa phương cũng như các đơn vị công nghệ thông tin triển khai, vận dụng, đưa vào quy hoạch, kế hoạch của mình. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hướng dẫn thực hiện là rất quan trọng và cần phải được ban hành cùng với các chiến lược, quy hoạch…

TẬP TRUNG LÀM HƯỚNG DẪN CÁC LĨNH VỰC CỦA NGÀNH CHO ĐỊA PHƯƠNG TRIỂN KHAI

Theo đó, cần tập trung làm ngay một số hướng dẫn như hoàn thiện bộ máy chuyển đổi số, hướng dẫn các bộ ngành tổ chức hội nghị chuyên đề của ngành mình về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình từ xa; mô hình truyền thông chính sách cấp tỉnh, bộ ngành…

Liên quan đến hướng dẫn các địa phương thực hiện tính toán giá trị kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thông tin thêm, theo pháp luật thống kê, các địa phương chỉ thu thập, lấy dữ liệu cung cấp cho Tổng cục Thống kê tính toán và công bố thống nhất trên toàn quốc tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của địa phương. Như vậy, đầu vào do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, hướng dẫn các địa phương để cung cấp dữ liệu cho Tổng cục Thống kê tính toán.

Bên cạnh đó, để giúp các Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu phát triển kinh tế số ở các địa phương, Bộ đã có phương pháp tính toán ước lượng đo lường cấu trúc, ước lượng tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình để tập trung pháp triển. Vấn đề này, Vụ Kinh tế số và xã hội số cùng Tổng cục Thống kê đã thống nhất để Bộ Thống tin và Truyền thông hướng dẫn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết trong tháng 3/2024 sẽ có hướng dẫn các địa phương biết cách tính toán kinh tế số dựa trên bảng I/O cập nhật số liệu theo quý, dựa vào đó nắm được thực trạng phát triển, từ đó có biện pháp thúc đẩy. Từ tháng 7/2023, số liệu tính toán của của các tỉnh theo hướng dẫn này và số liệu của Tổng cục Thống kê sẽ cơ bản giống nhau.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ tăng trưởng Kinh tế số Việt Nam năm 2023 tiếp tục tăng 19%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 16,5%. Mục tiêu năm 2024, tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.

Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20%-25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Đối với Cục Chuyển đổi số quốc gia có đánh giá, đo lường trực tuyến về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình. Để đạt được chỉ tiêu này, Bộ sẽ có công văn hướng dẫn, đôn đốc địa phương các biện pháp thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện đạt 100%. Hiện có 83/83 Bộ, tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Tính đến 20/2/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (trên tổng thủ tục hành chính) đạt 81,12%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trên tổng thủ tục hành chính) đạt 48,28%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 37,19%.

Bộ cũng yêu cầu, đến ngày 15/4, Viện Chiến lược chính sách Thông tin và Truyền thông phải có hướng dẫn triển khai Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; đồng thời có hướng dẫn Chiến lược dữ liệu để các địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai.

SẼ CÓ BỘ TIÊU CHÍ VỀ CAMERA GIÁM SÁT

Cục An toàn thông tin, cho biết hiện đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản với camera giám sát theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là yêu cầu cơ bản, còn với từng loại camera gắn với hệ thống thông tin nào sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ.

Năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ban hành hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin sử dụng camera giám sát. Còn với từng lĩnh vực đặc thù có thể đưa ra các yêu cầu riêng phù hợp.

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông với các sở Thông tin và Truyền thông.

Theo Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Cùng với đó ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát và tuyên truyền, phổ biến, tổ chức hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật này.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục An toàn thông tin hoàn thiện bộ tiêu chí hoạt động dành cho camera giám sát, ban hành trước ngày 20/5 tới.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin hoàn thành việc xây dựng, ban hành Sổ tay hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; xây dựng văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh…

Về cách làm chuyển đổi số nói riêng và những vấn đề mới nói chung, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, cho rằng nên làm thí điểm ở một diện nhỏ (có thể là một xã hoặc thôn), đỡ tốn kém nhưng phải làm đến nơi, triệt để, làm đến kết quả cuối cùng để hiểu rõ các vấn đề, sau đó hướng dẫn, nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định các công tác của Bộ phải tạo ra những kết quả thiết thực, trọng tâm cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, trong đó có việc tập trung là làm trợ lý ảo.

Hiện nay, Bộ đang triển khai phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng). Ngoài ra, còn có các trợ lý tri thức cho một số lĩnh vực riêng để mỗi cán bộ có thêm 1 trợ lý giúp công việc giấy tờ, số liệu sẽ được hỗ trợ nhờ AI.

Nguồn tin VNEconomy