Điều chỉnh quy hoạch để phát huy hết tiềm năng

Ngày 20/9, Hội thảo khoa học “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045” đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra giải phát huy hết tiềm năng của thành phố Biên Hòa.

TRUNG TÂM KINH TẾ, CÔNG NGHIỆP LỚN NHẤT CỦA TỈNH ĐỒNG NAI

Thành phố Biên Hòa được các chuyên gia nhận định là trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất của tỉnh Đồng Nai. Đồng thời cũng là một trong những đô thị chiến lược của khu vực phía Nam.

Ông Hồ Văn Nam, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, nhấn mạnh thành phố có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Nai, đồng thời đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của cả vùng. Vì vậy, việc lập điều chỉnh quy hoạch thành phố Biên Hòa đến năm 2045 không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ riêng thành phố Biên Hòa mà là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đồng Nai.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề kết nối giao thông, thành phố Biên Hòa cũng là đô thị có mật độ dân số lớn nhất trong số 22 đô thị loại I của cả nước. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, cho hay hiện thành phố có diện tích hơn 263 km2, dân số gần 1,2 triệu người với mật độ dân số là 4.000 người/km2.

Ngoài ra, thành phố có tỷ lệ lao động chiếm gần 50% tổng dân số, trong đó trên 420.000 lao động trong các doanh nghiệp. Song song với đó, thành phố Biên Hòa luôn gắn kết giữa đô thị và công nghiệp khi hoạt động công nghiệp chiếm gần 65%, dịch vụ chiếm gần 35%, còn lại là nông nghiệp.

 

Với các tuyến giao thông quan trọng như Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4 cùng hệ thống cảng biển, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ biến thành phố Biên Hòa trở thành đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm logistics phía Đông của Vùng.

Tuy nhiên, hiện trạng đô thị Biên Hòa hiện nay hạ tầng kỹ thuật bị quá tải, giao thông chật hẹp; tốc độ xây dựng nhanh, hệ thống thoát nước đầu tư chậm nên khi xuất hiện mưa lớn, triều cường thường gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực; hạ tầng xã hội còn thiếu, đặc biệt là các công trình công cộng… Những điều này đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác quản lý, phát triển đô thị Biên Hòa

Để phát triển Biên Hòa trở thành đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chuyên gia đồng thuận rằng quy hoạch phải đi trước một bước.

Trong đó, việc quy hoạch thành phố Biên Hòa cần nằm trong quy hoạch chung của tỉnh Đồng Nai lẫn toàn vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, dựa vào kết nối hạ tầng giao thông thừa hưởng từ hệ thống giao thông của quốc gia, của vùng làm trọng tâm để phát triển các trung tâm dịch vụ, đô thị, logistics hiện đại của vùng.

TRUNG TÂM LOGISTICS CỦA VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, nhận định thành phố Biên Hòa có nhiều lợi thế lớn để trở thành đô thị trung tâm của kết nối giao thông và logistics của toàn vùng. Theo đó, thành phố hiện đang có lợi thế bởi tiếp cận với 2 tuyến vành đai của vùng Tp. Hồ Chí Minh là vành đai 3 và vành đai 4.

Bên cạnh đó, thành phố cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía khu vực Nam, bao gồm Tp. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời khẳng định thành phố Biên Hòa hiện đang là đầu mối logistics quan trọng của vùng kinh tế phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Ngoài ra, tuyến đường sắt Biêu Hòa – Vũng Tàu và 5 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch, sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn có hướng tuyến kết nối Biên Hòa và các khu vực lân cận giáp ranh trong vùng.

 

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế đến năm 2030 dự kiến 10 triệu hành khách/năm.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, thành phố định hướng chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, phát triển hệ thống các trung tâm dịch vụ tổng hợp về chuyên ngành. Đồng thời, lấy trọng tâm là sông Đồng Nai để phát triển không gian xanh. Đặc biệt, tăng cường vai trò của vùng đô thị trung tâm Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và là một đầu mối cụ thể thành vùng công nghiệp đô thị Đông Nam bộ.

Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ đối với trục kết nối sân bay Long Thành, liên tuyến đô thị sân bay cũng là một cơ hội và là thách thức không nhỏ. Do vậy, đòi hỏi quy hoạch phải đặt trong mối quan hệ tổng hòa, hội tụ cho Biên Hòa. Ví dụ như giải pháp tập trung phát triển vùng nén, nhấn trọng tâm, cao tầng ở hướng này một cách hợp lý, không ảnh hưởng phễu bay, để góp phần làm nên sự vượt trội và đối trọng của đô thị Biên Hòa.

Vị chuyên gia nhấn mạnh cần chú trọng quy hoạch không gian kiến trúc cửa ngõ có sức đương đầu ngang hàng và tạo sức hút đối với đô thị ở vùng cửa ngõ giáp Tp. Hồ chí Minh, Bình Dương, kể cả ở dọc tuyến giao thông liên vùng và dọc bờ bắc sông Đồng Nai, để từ đó dành quỹ đất và xác lập chức năng đô thị phù hợp.

Nguồn tin VNEconomy