Dự kiến nâng công suất sân bay Pleiku lên 4

Cục Hàng không Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Pleiku (Gia Lai) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng hàng không Pleiku được xây dựng vào năm 1960, dùng làm sân bay căn cứ quân sự. Sau năm 1975, Cảng hàng không Pleiku là căn cứ của Không quân Việt Nam. Từ năm 1992, Hàng không dân dụng bắt đầu đưa Cảng hàng không Pleiku vào khai thác sử dụng.

Cảng hàng không Pleiku hiện là cảng hàng không nội địa cấp cấp 4C, sân bay quân sự cấp II. Cảng hàng không gồm 1 đường cất hạ cánh hướng 09-27, hệ thống đường lăn sân đỗ đồng bộ.

Nhà ga hành khách Cảng hàng không Pleiku có tổng diện tích sử dụng 3.174,53m2, gồm 2 tầng, 2 cửa ra tàu bay, đáp ứng 300 hành khách/giờ cao điểm, có khả năng phục vụ với công suất 600.000 lượt hành khách/năm. 

Cảng hàng không Pleiku đang có sự tăng trưởng rất nhanh, một số hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác vượt so với dự báo trước đây, trong đó năm 2019 sản lượng hành khách đã đạt 726.526 hành khách/năm.

 

Công suất nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ chỉ đáp ứng 300 hành khách/giờ cao điểm, công suất 600.000 hành khách/năm không đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai.

Hiện Cảng hàng không Pleiku đang khai thác các máy bay tầm trung như A320, A321 với các đường bay quốc nội đến các trung tâm văn hóa chính trị lớn của cả nước.

Theo đề xuất, trong giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không Pleiku có cấp sân bay 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 4 triệu hành khách/năm và 4.500 tấn hàng hóa/năm.

Cảng hàng không Pleiku có 14 vị trí đỗ tàu bay; loại tàu bay khai thác là A320/A321 và tương đương trở xuống; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT I.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Pleiku giữ nguyên cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ tàu bay là 18 vị trí; loại tàu bay khai thác là A320/A321 và tương đương trở xuống; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT I.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch đường cất hạ cánh hướng 09-27, kích thước 3.000m x 45m (kéo dài đầu 27 đường cất hạ cánh hiện hữu thêm 600m), lề vật liệu rộng 7,5m, đảm bảo hiệu quả khai thác thương mại các dòng tàu bay code C và tương 4 đương. Tầm nhìn đến năm 2050 vẫn giữ nguyên theo quy mô xây dựng tại giai đoạn trước.

Về nhà ga hành khách (khu đất B-01), trong giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không Pleiku được quy hoạch nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 4 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thực hiện mở rộng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm (dự phòng đất phát triển khi có nhu cầu).

Nhà ga hàng hoá (khu đất B-02), trong thời kỳ 2021-2030, quy hoạch nhà ga hàng hóa mới đáp ứng khai thác 4.500 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Pleiku thực hiện mở rộng nhà ga hàng hóa mới đáp ứng khai thác 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Pleiku được quy hoạch dự phòng vị trí xây dựng hangar tại khu đất dự phòng phát triển A-17, đầu tư xây dựng đồng bộ hangar và sân đỗ trước hangar khi có nhu cầu; tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giữ nguyên vị trí như giai đoạn đến năm 2030, đầu tư xây dựng đồng bộ 1-2 hangar và sân đỗ trước hangar khi có nhu cầu.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đơn vị tư vấn nghiên cứu trên cơ sở thống kê, phân tích số liệu khai thác hiện có của các cảng hàng không tại Việt Nam, số liệu tăng trưởng kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ và các ngành có ảnh hưởng đến sự phát triển của hành khách tại Cảng hành khách Pleiku. Đồng thời, căn cứ vào các định hướng quy hoạch phát triển của các ngành, của tỉnh, khu vực và cả nước để nghiên cứu số liệu dự báo, làm cơ sở quy hoạch quy mô các khu vực chức năng cho cảng hàng không.

Trong đó phương án lựa chọn đã được tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính tối ưu trong phương án quy hoạch các khu chức năng, tiết kiệm kinh phí xây dựng và khả thi trong phương án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để cập nhật quy hoạch Cảng hàng không Pleiku vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Pleiku đến năm 2045 do địa phương đang tổ chức thực hiện.

Trong đó kiến nghị phương án đường Phạm Ngọc Thạch mỗi luồng rộng 10,5m đủ để phân 3 làn xe, giữa hai luồng xe của đường bố trí dải phân cách giữa rộng 10,0m trồng cây xanh, bề rộng vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

Nguồn tin VNEconomy