Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn các

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018- 2023”; cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; cho ý kiến về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại cuộc họp với các cơ quan để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Văn phòng Quốc hội cho biết theo chương trình dự kiến tại Phiên họp thứ 36 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Từ ngày 21/8 đến hết sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn dự kiến tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực.

Nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.

Về cách thức chất vấn, thực hiện theo quy định tại Nội quy kỳ họp và thông lệ thực hiện tại các phiên họp chất vấn thời gian qua, Chủ tọa sẽ mời từ 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá một phút, người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/câu hỏi, tranh luận không quá 2 phút cho mỗi lượt chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận qua App Quốc hội.

Trường hợp đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi không thuộc nhóm vấn đề chất vấn hoặc yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành đánh giá, cung cấp số liệu có yếu tố nhạy cảm, bộ trưởng, trưởng ngành có thể xin phép đại biểu Quốc hội để trả lời bằng văn bản sau phiên chất vấn.

Bên cạnh 2,5 ngày làm việc chính thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng 0,5 ngày để xem xét, quyết định việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trong trường hợp Chính phủ có tờ trình, đề án gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Nguồn tin VNEconomy