Thông xe dự án hầm chui Trần Quốc Hoàn

Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức buổi lễ thông xe gói thầu này vào tối 10/8/2024.

Hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện là gói thầu xây lắp số 9 thuộc dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, có điểm đầu tại vị trí giao đường Phan Thúc Duyện – Phan Đình Giót, điểm cuối giao với đường Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình) với tổng chiều dài là 600 m. Gói thầu có quy mô chiều rộng mặt cắt ngang 30 m với 6 làn xe, đường dẫn ở hai đầu hầm có tổng chiều dài 200 m, đường hai bên hông hầm chui có tổng chiều dài 600 m. Hầm dài 402 m gồm hai đoạn: Đoạn hầm kín dài 42 m, rộng 9,75 m; đoạn hầm hở dài 360 m, rộng 9,25 m, cùng hệ thống máy bơm thoát nước cho hầm.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa là dự án trọng điểm quốc gia, được Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 4135/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 và khởi công cùng với dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 24/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng; gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.412 tỷ đồng và chi phí xây lắp 1.500 tỷ đồng, cùng các chi phí khác. Gói thầu số 9 hầm chui có kinh phí đầu tư 200 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành và TP.HCM cắt băng khánh thành. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng tuyến đường mới dài 4 km, nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất. Điểm đầu của tuyến tại vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện, điểm cuối tại vị trí giao đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh. Công trình có các hạng mục cầu vượt tại khu vực trước nhà ga T3 với chiều dài 988 m, mặt cắt ngang 17m gồm 4 làn xe; 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và tại nút giao đường Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý có chiều dài 500 m, mặt cắt ngang 9 m với 2 làn xe; các hạng mục chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, vỉa hè, hào kỹ thuật…

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, gói thầu được thi công trong điều kiện địa chất phức tạp, có nhiều mạch nước ngầm. Khu vực công trình có mật độ giao thông dày đặc (cửa ngõ sân bay) nên phải bảo đảm vừa thi công vừa duy trì giao thông không bị gián đoạn, cùng các yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn… Đây là những thách thức mà chủ đầu tư và các nhà thầu phải đối diện. Dù vậy, với sự quyết tâm cao của TCIP, nhà thầu cùng đội ngũ thi công, gói thầu đã hoàn thành vượt kế hoạch 3 tháng.

Cũng theo ông Phúc, điểm nổi bật của dự án là việc thiết kế và hướng tuyến của dự án đã bảo đảm mục tiêu là giữ gìn và bảo vệ được nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa dọc tuyến, gồm khu lưu niệm Phan Chu Trinh, Trại David bên trong khu vực sân bay; toàn bộ 34 hộ dân phải giải tỏa phục vụ thi công dự án được bố trí tái định cư tại chỗ dọc tuyến đường mới với mong muốn người dân có điều kiện sống tốt hơn sau tái định cư.

Các gói thầu còn lại của dự án sẽ được tăng tốc thi công để tất cả hoàn thành vào 31/12/2024, kịp đưa vào khai thác đồng bộ với nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa là một trong ba dự án cửa ngõ trọng điểm của TP.HCM. Hai dự án khác là dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) với tổng kinh phí 3.770 tỷ đồng và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), đã khởi công cuối tháng 12/2022. Đây là những “điểm đen” về kẹt xe ở khu vực cửa ngõ ra vào phía bắc, phía đông và phía nam của TP.HCM.

Nguồn tin VNEconomy