Thảo luận với lãnh đạo TP

Trong khuôn khổ Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) diễn ra tại TP.HCM từ ngày 2/8-4/8, các chuyên gia kinh tế lượng quốc tế đã có phiên bàn thảo luận bàn tròn tại Ủy ban nhân dân Thành phố dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tối ngày 2/8.

HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Tại phiên thảo luận, các lãnh đạo sở, ban ngành đã cùng với các chuyên gia kinh tế để đưa ra những định hướng ngắn hạn và dài hạn về kinh tế – xã hội của Thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên thảo luận bàn tròn cùng các chuyên gia, nhà khoa học của Hội nghị AMES 2024 vào tối 2/8.

Các chuyên gia kinh tế AMES 2024 lần lượt trình bày tóm lược 4 báo cáo khoa học về các chủ đề như kinh tế toàn cầu, dân số và phúc lợi xã hội, biến đổi khí hậu, và giải pháp thu hút nhân tài. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi Phan Văn Mãi đánh giá cao việc ban tổ chức AMES 2024 chọn TP.HCM làm nơi tổ chức hội nghị với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế từ khắp thế giới. Theo ông, đây là cơ hội tốt để TP.HCM tiếp cận với các nghiên cứu khoa học, cần thiết cho sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM là thành phố trẻ, chỉ hơn 300 năm tuổi nhưng Thành phố có độ mở lớn, là nơi giao thoa của mọi miền đất nước, nơi hội nhập quốc tế với rất đông người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Định hướng phát triển đến 2050, TP.HCM sẽ tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ, hướng đến gia tăng chất lượng dịch vụ, phát triển Thành phố hướng theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. 

“Tạo nền tảng cho sự phát triển đó, TP.HCM đang đẩy mạnh thực hiện ba mục tiêu, là hoàn chỉnh hạ tầng kết nối, hoàn thiện công tác quản lý và chuẩn bị nguồn tài nguyên, trong đó lấy nguồn nhân lực làm trọng tâm. Để hiện thực hoá chiến lược phát triển này, bên cạnh tiềm lực nội tại, TP.HCM rất cần sự hợp tác quốc tế, kết nối với các tổ chức và chuyên gia tại đây”, ông Mãi chia sẻ.

Cùng quan điểm, GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Điều hành trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education, Chủ tịch AVSE Global, Đồng chủ trì Hội nghị AMES 2024, chia sẻ Hội nghị đã quy tụ rất nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, trong đó có những giáo sư tiến sĩ người Việt. Qua đó, sẽ mang đến những thông tin, tri thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác giữa các đơn vị tại TP.HCM và Việt Nam.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐƯA RA

Tại phiên thảo luận, GS. Nguyễn Đức Khương nhận định chuyển đổi xanh là bài toán lớn, phức tạp bởi mỗi quốc gia đối diện những thách thức khác nhau. 

“Tài chính, nguồn vốn cho chuyển đổi xanh là rất lớn, do đó việc chuyển đổi của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những quốc gia đã phát triển. TP.HCM và Việt Nam cần giải được các bài toán khó để đi đến chuyển đổi trong tương lai”, GS. Nguyễn Đức Khương cho biết.

Theo ông Khương, trước tiên, phải thay đổi tư duy, thông qua các chương trình đào tạo từ các cấp độ. Những lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp tương lai phải định hình được chuyển đổi xanh, từ đó việc đưa ra chính sách và thực thi sẽ dễ dàng hơn. 

Tiếp đến, TP.HCM đang là nơi được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư có trách nhiệm, quan tâm, hướng đến các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đến môi trường và phát triển bền vững. Do đó, Thành phố cần tổ chức định kỳ các diễn đàn về chuyển đổi xanh, huy động sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu. 

GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Điều hành trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education, Chủ tịch AVSE Global, Đồng chủ trì Hội nghị AMES 2024 cùng các chuyên gia chia sẻ những vấn đề quan trọng trong sự phát triển bền vững của TP.HCM và Việt Nam.

“Chúng ta cần thường xuyên tạo ra những diễn đàn tài chính xanh, chuyển đổi xanh tập trung huy động trí tuệ và những người thật sự quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Thậm chí, có thể tổ chức các buổi họp trực tuyến hàng tháng để huy động các chuyên gia khắp nơi tư vấn, thảo luận”, GS. Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Đức Khương khuyến nghị để có những tập đoàn lớn hùng mạnh thì phải xây dựng lực lượng SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) mạnh, có sự linh hoạt, hỗ trợ họ bằng cách đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, giúp họ những công nghệ để tăng giá trị gia tăng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh ra toàn cầu hoặc hấp thụ những nguồn vốn lớn từ thế giới vào Việt Nam. Bởi những doanh nghiệp tiên phong như Viettel, FPT… hiện nay cũng mất nhiều chục năm xây dựng, tích lũy mới có khả năng vươn ra toàn cầu.

PGS. Đỗ Quốc Anh, Đại học Monash, Úc, cùng các chuyên gia thảo luận , hiến kế những giải pháp trong chuyển đổi số, thu hút nhân tài đến Thành phố.

Nói về vấn đề chuyển đổi số của TP.HCM, PGS. Đỗ Quốc Anh, Đại học Monash, Úc, cho biết ông có ấn tượng rất tốt về quyết tâm và những bước mà TP.HCM đang thực hiện về tăng cường sự minh bạch thông tin để tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế, ông Quốc Anh nhận định đây là nền móng của sự phát triển lâu dài, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Bên cạnh đó, để có nền tảng tăng trưởng lâu dài, Thành phố cần phát triển hệ thống trường đại học, thu hút và giữ nhân tài – những người làm khoa học cơ bản đến ứng dụng.

Từ những trải nghiệm của bản thân, theo PGS. Đỗ Quốc Anh, thông thường các nước phát triển khuyến khích tạo ra hệ thống dự án mang tính cạnh tranh, tạo động lực để thêm nguồn lực cho nhà nghiên cứu trong nước và thu hút các nhà nghien cứu đang sống ở nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc trong 20 năm qua đang làm rất tốt điều này. Việt Nam có hệ thống tài trợ nghiên cứu tốt và mới, nhưng chưa bao phủ hết trên cả nước. Dù vậy,  TP.HCM có tiềm năng khá tốt về tài trợ nghiên cứu, thu hút nhân tài về.

Dr. Charles I. Jones, Đại học Stanford, Mỹ, chia sẻ rất ấn tượng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Để xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung,  Dr. Charles I. Jones, Đại học Stanford, Mỹ, khuyến nghị cần những quy định mới về hành lang pháp lý từ đó tạo sự canh tranh bình đẳng, khuyến khích doanh nghiệp với các loại hình mới gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, cần tạo sự đồng bộ về cạnh tranh giữa các vùng, các địa phương, tạo nên sự liên kết phát triển.

Nguồn tin VNEconomy