Kinh tế Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng sau 5
Ngày 02/8, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Nghị quyết số 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.
Người dân Hải Phòng vui mừng, phấn khởi khi nghĩ về một thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Cụ thể, quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng được mở rộng, 9 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 – 2023 đạt 12,6%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2023 ước thực hiện 480.043,32 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 – 2023 đạt 813.065 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần năm giai đoạn 2014 – 2018, tăng trưởng bình quân 11,64%/năm.
Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha, được định hướng là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh, là đầu mối của thành phố tham gia vào chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. Mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố.
Cùng với phát triển kinh tế, việc phát triển văn hóa – xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… cũng luôn được thành phố đặc biệt chú trọng. Thành tựu nổi bật là năm 2023, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW. Tuy nhiên, phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển.
Cụ thể, định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á,… còn chưa thực sự rõ nét.
Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới; trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới được xác định trên cơ sở kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45, nhất là đối với các chỉ tiêu còn thấp, các khâu yếu, hạn chế, tồn tại trong từng lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được của các thế hệ đi trước, đồng thời tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá sau:
Thứ nhất, thành phố Hải Phòng ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu có tính lan tỏa, kết nối cao. Trong đó, sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đầu tư hệ thống hạ tầng, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam, tạo động lực tăng trưởng đột phá trong giai đoạn tới.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó trọng tâm là thí điểm mô hình Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng.
Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng an ninh. Trong đó, vấn đề quan trọng đó là phải tiếp tục giữ vững, vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, để toàn hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị phát triển thành phố, xây dựng Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết để xây dựng và phát triển Hải Phòng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, thời gian tới, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả nghị quyết.
Đồng thời, Hải Phòng cũng đã và đang đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới để trình Quốc hội xem xét tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, thể chế mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã xác định tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.