Công bố khung Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp
Ngày 1-2/8/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Bộ Chỉ số PII cung cấp bức tranh về hiện trạng phát triển kinh tế xã hội dựa trên Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo của từng tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Hiện PII là bộ chỉ số duy nhất tổng hợp và đa ngành phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế xã hội. Theo Thứ trưởng, việc xếp hạng Chỉ số PII không phải chỉ để quan tâm thứ hạng, mà qua các chỉ số thể chế, con người, môi trường kinh doanh… đến nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được những điều kiện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Giới thiệu về Khung PII năm 2024, ông Nguyễn Võ Hưng, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết ngày 24/7/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt Khung Chỉ số PII năm 2024.
Hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.
Theo đó, Khung Chỉ số PII năm 2024 gồm 7 trụ cột.
Thứ nhất, thể chế (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về môi trường chính sách, môi trường kinh doanh);
Thứ hai, nguồn nhân lực và nghiên cứu (gồm 2 nhóm chỉ số và 7 chỉ số thành phần liên quan đến giáo dục, nghiên cứu và phát triển);
Thứ ba, cơ sở hạ tầng (gồm 2 nhóm chỉ số, 5 chỉ số thành phần liên quan đến hạ tầng ICT, cơ sở hạ tầng chung và môi trường sinh thái);
Thứ tư, trình độ phát triển của thị trường (gồm 2 nhóm chỉ số, 7 chỉ số thành phần về tài chính và đầu tư, dịch vụ hỗ trợ);
Thứ năm, trình độ phát triển của doanh nghiệp (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về lao động có tri thức, liên kết sáng tạo, hấp thu tri thức);
Thứ sáu, sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (gồm 3 nhóm chỉ số, 9 chỉ số thành phần về sáng tạo tri thức, tài sản vô hình, lan tỏa tri thức);
Thứ bẩy, tác động (gồm 2 nhóm chỉ số, 8 chỉ số thành phần về tác động đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến kinh tế xã hội).
Đại diện Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng cho biết nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ Chỉ số PII được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác như: cải cách hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chuyển đổi số; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Các chỉ số do địa phương cung cấp dữ liệu phục vụ tính toán PII 2024 có một số điều chỉnh. Theo đó, bớt 1 chỉ số (chỉ số tài chính vi mô/GRDP- sẽ sử dụng dữ liệu do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tại trung ương cung cấp); thêm 1 chỉ số (đóng góp trong GDP cả nước);
Đồng thời điều chỉnh mẫu số của 2 chỉ số là chỉ số số dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động của địa phương (%) và Chỉ số số dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đang hoạt động trên địa bàn địa phương (năm 2023, mẫu số của 2 chỉ số này là “doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn”).
Quy trình thu thập, xử lý dữ liệu từ các địa phương được thực hiện gồm 10 bước và Cơ quan đầu mối của địa phương (Sở Khoa học và Công nghệ ) gửi dữ liệu và tài liệu minh chứng cho Bộ Khoa học và Công nghệ qua Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trước ngày 30/8/2024.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng thử nghiệm Bộ Chỉ số PII năm 2022 và đã được Chính phủ giao chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023.
Ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số PII; UBND các tỉnh/thành phố bố trí nguồn lực thực hiện Chỉ số PII.
Năm 2023, lần đầu tiên bộ chỉ số được xây dựng trên toàn quốc. Bộ chỉ số hướng đến cung cấp bộ công cụ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, cũng như cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Ở lần xếp hạng đầu tiên, trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (xếp hạng 1), TP. Hồ Chí Minh (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).