Cơ bản thống nhất xây đường sắt tốc độ cao

Ngày 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 – phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận 5 nội dung quan trọng, gồm Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; cùng hai đề nghị xây dựng luật là Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); hai dự án luật là Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).

XÂY DỰNG CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, với tổng chiều dài 1.541 km, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035, kết hợp giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết, nhằm phát triển kinh tế với an ninh-quốc phòng.

Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại – Ảnh: VGP.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị.

 

“Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn lực gồm của Nhà nước (trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp, vốn từ khai thác hiệu quả tuyến đường sắt”, Thủ tướng yêu cầu.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng lớn khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan tới nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao.

Đồng thời, cần nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hóa, phát triển du lịch và nghiên cứu, sớm triển khai ba tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, tuyến đường sắt Vientiane (Lào)-Vũng Áng (Hà Tĩnh).

DOANH NGHIỆP HÀNG ĐẦU TRUNG QUỐC MONG MUỐN HỢP TÁC

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy chủ trì buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo của ba doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt tại Trung Quốc, đó là: Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC); Công ty HH Tập đoàn Metro Quảng Châu, Chu Gia Nghĩa, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (PowerChina) khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy và lãnh đạo các Tập đoàn đã tập trung trao đổi thông tin về nhu cầu nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; khả năng hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy triển khai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; hợp tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình vận hành khai thác, kiểm tra kiểm nghiệm thống nhất cho hệ thống đường sắt đô thị.

Ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRRC Đại Liên cho biết CRRC là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và duy nhất của Trung Quốc trong ngành giao thông đường sắt độc lập phát triển và sản xuất, xuất khẩu đầu máy diesel, đầu máy điện, động cơ diesel, phương tiện đường sắt đô thị, tàu cao tốc và đầu máy năng lượng mới.

Còn Tập đoàn Metro Quảng Châu là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ do tập đoàn cung cấp. Metro Quảng Châu cũng đang tham gia thực hiện nhiều dự án liên kết với một số nước khác.

Lãnh đạo Tập đoàn PowerChina cũng chia sẻ năng lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt cao tốc trong nước cũng như dự án đường sắt nước ngoài như dự án Trung – Lào, dự án tại Indonesia do tập đoàn nghiên cứu và phát triển.

Với những thông tin trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo ba tập đoàn mong muốn hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch, thiết kế, thiết bị, vận hành sau này cho các dự án, công tác xây dựng metro, đường sắt quốc gia, xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước và đánh giá cao năng lực, công nghệ, trình độ phát triển lĩnh vực đường sắt, đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc, sự tích cực của các doanh nghiệp như CRRC Đại Liên, Metro Quảng Châu và Power China.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng như đánh giá cao sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Thứ trưởng khẳng định nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các nguồn vốn cần huy động từ các doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Thứ trưởng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với các đối tác Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ.

Nguồn tin VNEconomy