VIS Rating: Ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất liên
Trong tháng 4 và tháng 5/2024, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần 400 điểm cơ bản lên mức cao nhất 12 tháng. Lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng có lúc đã lên mức 5,1%, so với mức dưới 1% vào tháng 1 năm 2024.
Báo cáo Góc nhìn tín nhiệm được Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) công bố mới đây nhận định các đợt tăng lãi suất liên ngân hàng gần đây phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ. Theo đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng để cho vay và đảm bảo thanh khoản.
“Tuy nhiên, ảnh hưởng của lãi suất liên ngân hàng tăng tới các ngân hàng vẫn trong vòng kiểm soát. Các ngân hàng đã từng phải chịu chi phí huy động rất cao trong giai đoạn cuối 2022 đầu 2023 nhưng vẫn vượt qua được bởi lãi suất liên ngân hàng sẽ dần hạ nhiệt trong giai đoạn còn lại của năm 2024 khi áp lực tỷ giá dần ổn định”, VIS Rating nhận định.
Theo ước tính của VIS Rating, trong tháng 4 và tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã rút 90 nghìn tỷ đồng ra khỏi thị trường thông qua việc bán hơn 3,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho các ngân hàng. Đặc biệt, vào ngày 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thêm 0,25% lên 4,5% cùng với đà tăng của lãi suất qua đêm VND liên ngân hàng.
Sau những động thái đó của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD của hệ thống ngân hàng đã dần ổn định lại sau khi tăng 4,3% tính từ đầu năm 2024.
Dẫu vậy, trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại, các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng cỡ vừa đang chịu rủi ro về thanh khoản vì quy mô huy động tiền gửi thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng và thiếu các tài sản có tính thanh khoản cao.
Ví dụ, tỷ lệ CASA trên tổng nguồn vốn trong quý 1/2024 của các ngân hàng này chỉ ở mức 7% so với mức trung bình ngành là 14%; đa số các ngân hàng cỡ vừa có tài sản thanh khoản ít hơn nguồn huy động thị trường hai có thể gây mất cân đối thanh khoản.
Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ vẫn đang hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất huy động thấp sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm 4 lần lãi suất điều hành trong năm 2023.
VIS cho rằng các ngân hàng nhỏ vẫn còn đủ dư địa lợi nhuận để hấp thụ chi phí tăng từ nguồn vay liên ngân hàng cũng như huy động tiền gửi cao hơn.
Từ đầu tháng 5/2024, lãi suất tiền gửi 6 tháng đã tăng 50 đến 80 điểm cơ bản ở các ngân hàng vừa và nhỏ và 10 đến 30 điểm cơ bản ở các ngân hàng lớn do cạnh tranh về tiền gửi khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Các ngân hàng cũng có thể sẽ chuyển một phần chi phí huy động tiền gửi cao hơn sang người đi vay.
VIS Rating cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết lãi suất OMO song hành với lãi suất qua đêm liên ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn OMO có thể đóng vai trò là người cho vay cuối cùng cho các ngân hàng thương mại khi cần thiết.
Trong kịch bản cơ bản, VIS Rating kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và rủi ro như lạm phát và tỷ giá. Lạm phát trong nước hiện tại chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các yếu tố đầu vào và vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để kiềm chế biến động tỷ giá. Do đó, lãi suất sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp trong năm 2024.
Ngoài ra, chênh lệch âm giữa lãi suất VND và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) kể từ năm 2023 có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường và đã dẫn đến nhu cầu nắm giữ USD nhiều hơn.
Việc tăng lãi suất OMO gần đây sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này khi thị trường đang chờ đợi tín hiệu cắt giảm lãi suất từ FED trong thời gian tới.