Quy định về nạo vét luồng kết hợp thu hồi
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20/5/2024, về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, quy định về quản lý hoạt động nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Nghị định 57 nêu rõ: Hoạt động nạo vét phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm thông số kỹ thuật luồng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống sạt lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa và các công trình khác, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa gây cản trở hoạt động tránh, trú của tàu thuyền vào mùa lũ bão, trong thời gian xảy ra thiên tai. Hoạt động nạo vét sử dụng vốn đầu tư công phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước trình Bộ Giao thông vận tải tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao dự toán chi cho các dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Việc giao dự toán chi các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa căn cứ trên cơ sở kế hoạch bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa được duyệt, không bắt buộc phải có Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi thực hiện hoạt động nạo vét, chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét. Hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, công trình nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Về quản lý chất nạo vét, trường hợp chất nạo vét nhận chìm ở biển, sau khi hết thời gian nhận chìm chất nạo vét, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường của dự án tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.
KHÔNG THỰC HIỆN BÁN ĐẤU GIÁ SẢN PHẨM THU HỒI
Đối với nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm, điều 22 của Nghị định nêu rõ: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý phải được lập thành dự án và thực hiện theo quy định.
Luồng tàu biển vào sông Hậu (luồng kênh Quan Chánh Bố) cũng đã hoàn thành nạo vét, mở rộng và đưa vào khai thác vào quý II-2024.
Đối với nạo vét vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm, chủ đầu tư dự án nạo vét phải thực hiện khảo sát địa chất, lấy mẫu phân tích thành phần, tính chất cơ lý, tính chất hóa học của chất nạo vét theo quy định. Đối với phần chất nạo vét tận thu thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.
Không thực hiện bán đấu giá đối với phần chất nạo vét tận thu quy định. Đối với phần chất nạo vét không tận thu của các dự án được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, thực hiện theo quy định tại Điều 7, 8 Nghị định này. Cụ thể, trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Sau khi kết thúc dự án, công trình chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết để quản lý theo quy định.
Chủ đầu tư dự án nạo vét phải thực hiện khảo sát địa chất, lấy mẫu phân tích thành phần, tính chất cơ lý, tính chất hóa học của chất nạo vét theo quy định. Đối với phần chất nạo vét tận thu thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.
Trước đó, ngày 20/4/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn IBM Land Châu Á – Thái Bình Dương (chủ đầu tư) đã khởi công công trình khoan khảo sát địa chất phục vụ lập báo cáo nghiên cứu chuyên sâu dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Địa điểm thi công công trình dọc hai bên luồng hàng hải Định An, sông Hậu dài khoảng 37 km, thuộc hai huyện Duyên Hải (Trà Vinh) và Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Thời gian thi công dự kiến trong 60 ngày. Kết quả khảo sát sẽ dùng phục vụ dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, theo Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.