77% người Việt muốn đổi thương hiệu xe trong lần
Đây là kết quả sau cuộc khảo sát của Deloitte với hơn 27.000 người tiêu dùng tại 26 khu vực địa lý trên toàn thế giới (trong đó, Đông Nam Á có 5.939 người tham gia khảo sát tại 6 khu vực) từ tháng 9 – 10/2023, để tìm hiểu ý kiến về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến ngành ô tô, bao gồm sự quan tâm của người tiêu dùng đối với việc sử dụng xe điện (EV), nhận thức về thương hiệu và áp dụng công nghệ được kết nối.
Trong hơn một thập kỷ, Deloitte đã tìm hiểu các hành vi và xu hướng của người tiêu dùng ô tô tác động đến hệ sinh thái di chuyển toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Nghiên cứu thường niên này sẽ giải đáp các câu hỏi quan trọng, có thể giúp các công ty sắp xếp thứ tự ưu tiên và định vị tốt hơn các chiến lược kinh doanh và đầu tư.
Báo cáo của Deloitte làm nổi bật 4 chủ đề ảnh hưởng đến hệ sinh thái di chuyển toàn cầu.
Thứ nhất, mức độ điện khí hóa xe.
Lãi suất cao và giá niêm yết tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến sự quan tâm đối với xe điện suy giảm nhẹ ở một số thị trường. Mặc dù giá từ các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) đã giảm và có các ưu đãi của Chính phủ giúp đưa giá xe ô tô về mức phải chăng hơn nhưng vẫn tồn tại một số thách thức như: cơ sở hạ tầng sẵn có cho trạm sạc, thời gian sạc, lo ngại về việc xe hết điện khi đang di chuyển và chi phí.
Về động lực để quyết định mua xe điện, Deloitte chỉ rõ lý do chính khiến người tiêu dùng lựa chọn mua xe điện xuất phát từ việc giảm chi phí vận hành từ xăng dầu, vượt xa mối lo ngại về biến đổi khí hậu đối với tất cả các thị trường, ngoại trừ Việt Nam. Ngoài ra, đa số người tiêu dùng quan ngại về tác động môi trường của toàn bộ vòng đời pin xe điện, từ đó yêu cầu các bên liên quan trong ngành ứng dụng những thông lệ bền vững trên toàn bộ vòng đời của pin.
Về kỳ vọng các cơ sở sạc xe điện, báo cáo cho thấy cần tập trung vào việc xây dựng khả năng sạc công cộng để giải quyết các mối lo ngại về phạm vi hoạt động song theo thực tế sử dụng hàng ngày, hầu hết người tiêu dùng sẽ sạc xe điện tại nhà.
“Nhìn chung, khi đề cập đến xe điện chạy pin hoàn toàn, người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết những lo ngại lớn nhất là việc không đủ cơ sở hạ tầng trạm sạc, thời gian sạc, nỗi lo về việc xe hết điện bất chợt và chi phí”, Deloitte đánh giá.
Thứ hai, dự định tương lai về phương tiện đi lại.
Chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu trong danh sách những yếu tố cân nhắc khi lựa chọn thương hiệu xe điện đối với người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường tại Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Philippines là hiệu suất của xe, còn ở Singapore là giá xe.
Báo cáo của Deloitte cũng cho thấy phần lớn người tiêu dùng trên khắp thị trường Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia dự định thay đổi thương hiệu khi cân nhắc mua xe tiếp theo (22% dự định đổi thương hiệu). Riêng tại Việt Nam, 77% người dùng dự định thay đổi thương hiệu khi cân nhắc mua xe tiếp theo.
Chỉ rõ các lý do thay đổi thương hiệu xe, Deloitte cho rằng đối với hầu hết người tiêu dùng, ý định thay đổi thương hiệu xe xuất phát từ mong muốn tiếp cận thêm nhiều tính năng mới hoặc chỉ để trải nghiệm những điểm khác biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế như hiện nay, khả năng chi trả lại nằm trong số lý do hàng đầu, điều này sẽ tạo nên thay đổi đột phá trên một số thị trường.
Tùy theo thị trường, các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi cân nhắc lựa chọn thương hiệu xe chính là chất lượng sản phẩm, hiệu suất và giá cả. Các tính năng xe cũng đều quan trọng đối với người tiêu dùng tại Philipines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, khi thay đổi thương hiệu xe, người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất về: chất lượng sản phẩm (60%); tiếp đến là tính năng của xe (50%), hiệu suất xe và giá cả…
Ngoài ra, ngoại trừ tại Singapore, người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ quan tâm đến nơi sản xuất xe (trong nước hoặc nước ngoài) khi cân nhắc chiếc xe tiếp theo.
Thứ ba, sự kết nối.
Mức độ quan tâm của những người chú trọng đến các phương tiện kết nối đối với các tính năng cung cấp các cập nhật về vấn đề bảo trì, an toàn đường bộ và tắc nghẽn giao thông tương đối cao.
Người tiêu dùng ở hầu hết thị trường Đông Nam Á quan tâm đến việc nhận những thông tin cập nhật liên quan đến bảo dưỡng và báo cáo tình trạng xe cũng như cập nhật để nâng cao sự an toàn của tuyến đường ngay cả khi phải chia sẻ thông tin cá nhân cần thiết. Tuy nhiên, không giống như các thị trường khác, mức độ sẵn sàng chi trả thêm cho các công nghệ kết nối vẫn tương đối cao trên toàn thị trường Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore.
Thứ tư, gói đăng ký thuê xe.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn tạo ra nhiều lo ngại về khả năng tài chính, một số lượng lớn người tiêu dùng trẻ ở nhiều thị trường ít nhất đã bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ hoàn toàn việc sở hữu một phương tiện di chuyển. Họ có thiên hướng ủng hộ mô hình gói thuê định kỳ song vẫn quan ngại về tính sẵn có của phương tiện, tổng chi phí sở hữu và chi phí chi trả hàng tháng.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn tạo ra nhiều lo ngại về khả năng tài chính, một số lượng lớn người tiêu dùng trẻ ở nhiều thị trường ít nhất đã bắt đầu nghĩ đến trường hợp hoàn toàn từ bỏ việc sở hữu phương tiện di chuyển, đồng thời ủng hộ mô hình gói thuê xe định kỳ.
Người tham gia khảo sát trong độ tuổi 18-35 là nhóm đối tượng có suy nghĩ sẽ từ bỏ quyền sở hữu phương tiện đồng thời ủng hộ mô hình gói đăng ký định kỳ.