Đà Nẵng đặt mục tiêu giải ngân 8,88 ngàn tỷ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong năm 2024, tổng vốn đầu tư công của thành phố được giao hơn 8.881 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tổng số vốn được giao năm trước.
Tính đến 31/12, TP. Đà Nẵng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 5.800 tỷ đồng, đạt khoảng 73% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng theo các chủ đầu tư và nhà thầu thi công thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư-vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua vẫn chưa được khơi thông.
Để giải quyết điểm nghẽn này, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê trung Chinh nhấn mạnh: Thành phố cần tháo gỡ các vướng mắc về quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án. Trong đó, thực hiện giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; lấy kết quả triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 để đánh giá, bình xét thi đua của các đơn vị, địa phương và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý và cho rằng vướng mắc mặt bằng là điểm nghẽn lớn khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Kỳ họp HĐND Thành phố cuối năm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang (nơi có nhiều dự án nhất của thành phố đã và đang triển khai cần phải giải phóng mặt bằng), trên địa bàn toàn huyện có hơn 200 dự án triển khai tại 11/11 xã, với khối lượng công việc về giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch, bố trí đất đai rất nhiều và phức tạp. Một số dự án triển khai dở dang, kéo dài, do tính lịch sử để lại và chính sách giải tỏa đền bù thay đổi, chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Hòa Vang phải thực hiện 72 dự án với tổng số 7.798 hồ sơ về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc và 1.877 ngôi mộ cần di dời. Đến nay đã có 16 dự án hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án trọng điểm của thành phố nhưng bị nghẽn ở khâu giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ nay đã được tháo gỡ như dự án mở rộng đường ĐT 601, đường Hòa Phước – Hòa Khương, Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, các khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh, phục vụ giải tỏa đường vành đai phía Tây thành phố.
Từ kinh nghiệm thực tế, lãnh đạo huyện Hòa Vang cho hay, khó khăn nhất trong khâu giải phóng mặt bằng thời gian qua chính là việc thiếu đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân phải di dời, giải tỏa. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện Hòa Vang còn đang nợ 571 lô đất tái định để bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa.
Ngoài ra, còn có một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nộp tiền sử dụng đất; một số hộ còn thiếu sót trong việc kê khai trước đây nên chưa được cấp giấy chứng nhận đất, hoặc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp từ trước năm 2014 hiện không có chỗ ở nào khác. Đối với các hộ này, theo quy định thì không được bồi thường về đất ở, không được bố trí tái định cư, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn để giúp giúp người dân ổn định cuộc sống, chỗ ở.
Hiện nhu cầu quỹ đất tái định cư trên địa bàn huyện Hòa Vang cần 11.024 lô đất, trong đó nơi các dự án đang triển khai là 3.532 lô và các dự án chuẩn bị triển khai là 7.492 lô. Trong khi đó, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang chỉ có 57 khu tái định cư với tổng quỹ đất dành tái định cư chỉ có 6.016 lô, còn thiếu 5.008 lô so với nhu cầu. Nhiều dự án đang triển khai không thực hiện được giải phóng mặt bằng do thiếu đất tái định cư để bố trí cho người dân thuộc diện bị giải tỏa.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, để gỡ điểm nghẽn về mặt bằng, thực hiện giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao cần khắc phục tình trạng thiếu đất tái định cư. Ngoài ra, để giảm áp lực xây dựng các khu tái định cư khi triển khai các dự án, thành phố cần bồi thường bằng tiền theo giá đất tại thời điểm thu hồi để người dân tự lo chỗ ở. Đối với các trường hợp xây dựng làm nhà ở ổn định trên đất nông nghiệp trước năm 2014 và hiện không có chỗ ở nào khác cần nghiên cứu giải pháp bố trí tái định cư để người dân ổn định cuộc sống sau giải tỏa.
Được biết, năm 2024, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 9 dự án động lực, trọng điểm cần giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án như đường cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan, mở rộng Quốc Lộ 14B, cầu Quảng Đà và đường dẫn vào đầu cầu, đường vành đai phía Tây, khu tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn của huyện. Lãnh đạo huyện Hòa Vang đề xuất thành phố cần chỉ đạo các đơn vị điều hành dự án, các đơn vị chủ đầu tư có phương án trình phê duyệt quy hoạch và xây dựng khu tái định cư trước khi phê duyệt quy hoạch dự án. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư thực tế hiện nay để sớm bàn giao cho người dân xây nhà, ổn định cuộc sống sau giải tỏa.
Đối với Ban quản lý dự án các công trình giao thông Đà Nẵng (Ban QLDA), năm 2024 thành phố giao cho đơn vị tổng vốn đầu tư công hơn 935 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Để đạt kết quả giải ngân cao nhất, Ban Quản lý dự án phân loại 4 nhóm dự án tương ứng với các giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Đáng chú ý là nhóm các dự án đang triển khai thi công và khởi công mới, tiến độ thi công bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng (gồm 14 dự án, vốn kế hoạch 674 tỷ, chiếm 72%). Ban Quản lý dự án đã phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo Tổ quản lý dự án chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn lại như lập, trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, chậm nhất phải hoàn thành trong quý 2/2024 để tổ chức khởi công và triển khai thi công trong quý 3/2024.
Cùng với đó, Ban Quản lý dự án cũng rà soát, đánh giá năng lực thi công thực tế của các nhà thầu đang thực hiện các dự án tại Ban để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp, trường hợp các nhà thầu thi công không đáp ứng yêu cầu tiến độ vì lý do chủ quan thì kiên quyết xử phạt hợp đồng và báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nếu để vi phạm kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.