Cục Đường cao tốc Việt Nam “xắn tay” hỗ trợ,
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của Cục Đường cao tốc Việt Nam diễn ra vào ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, cho rằng dù mới thành lập hơn 1 năm trong điều kiện khó khăn về con người và cơ sở vật chất, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, giúp các địa phương hoàn thiện thủ tục khởi công, hoàn thành nhiều dự án đường cao tốc, nổi bật là cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ vừa được đưa vào khai thác.
Nhấn mạnh phát triển đường cao tốc là một trong ba khâu đột phá hạ tầng giao thông, giúp phát triển kinh tế – xã hội, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý Cục Đường cao tốc Việt Nam cần luôn quán triệt tư tưởng này và phải tìm cách để nâng cao chất lượng công việc, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường cao tốc.
Thứ trưởng cho rằng nhiệm vụ trước mắt của Cục là ổn định lại tổ chức, tinh gọn lại chức năng nhiệm vụ, trong đó chỉ tập trung vào các công việc lớn mang tính chất trọng điểm. Ngoài các dự án của Bộ, Cục Đường cao tốc Việt Nam rà soát lại cả các dự án của địa phương, cùng xắn tay hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc.
Thời gian tới, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng cần xác định rõ điểm nghẽn trong phát triển đường cao tốc. Đối với các dự án đưa vào khai thác, hiện nhiều tuyến còn thiếu trạm dừng nghỉ, lãnh đạo Bộ giao Cục Đường cao tốc Việt Nam tích cực tham gia cùng các đơn vị để hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ trên cao tốc, hoàn chỉnh quy chuẩn đường cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ để vận hành hệ thống đường cao tốc hiệu quả, nhất là kiểm soát xe quá tải và thu phí không dừng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trước đó, báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm qua, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, cho biết trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đối với các dự án cao tốc do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn thiện thủ tục thẩm định, tham mưu Bộ Giao thông vận tải trình Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định cao tốc Dầu Giây – Tân Phú; phối hợp tham gia ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi, phương án đầu tư các dự án cao tốc bước chủ trương đầu tư như: Chợ Mới – Bắc Kạn, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…
Đối với các dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục Đường cao tốc Việt Nam kịp thời tham mưu Bộ Giao thông vận tải tham gia ý kiến về phương án đầu tư các dự án cao tốc, hướng dẫn triển khai các dự án cao tốc do địa phương như: Hòa Lạc – Hòa Bình, Hòa Bình – Mộc Châu, Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng, Gia Nghĩa – Chơn Thành, TP.HCM – Chơn Thành, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng, TP.HCM – Mộc Bài, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 4 TP.HCM…
Đối với nhiệm vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, Cục thực hiện tốt công tác thẩm định đối với các dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư như: cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Tân Phú – Bảo Lộc.
Cục Đường cao tốc Việt Nam tham mưu, phối hợp với địa phương hoàn thiện chủ trương đầu tư đối với hai dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Đến nay, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương; cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) hiện được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện tốt công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở đối với các dự án như: dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Chơn Thành – Đức Hòa, Cao Lãnh – Lộ Tẻ…
Đối với các dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện tốt công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở đối với các dự án như: Vành đai 3 TP.HCM; dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Tuyên Quang – Phú Thọ; Tuyên Quang – Hà Giang; dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phê duyệt đáp ứng tiến độ khởi công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong thời gian rất ngắn do thời gian phê duyệt dự án đầu tư trước đó kéo dài, mốc khởi công dự án được ấn định.
Theo ông Thành, năm 2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát đề xuất hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác, bảo trì đường cao tốc, bổ sung, sửa đổi những quy định còn chồng chéo, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Ngoài ra, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án thành phần triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ yêu cầu; kiểm tra hiện trường các dự án thuộc nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định.
Trong năm 2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam phấn đấu hoàn thiện thủ tục, khởi công 3 dự án với 142km do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền, gồm cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Chợ Mới – Bắc Kạn; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Bên cạnh đó, Cục phối hợp giải quyết các nội dung liên quan đến triển khai dự án của các địa phương hoàn thiện thủ tục, khởi công 11 dự án với tổng chiều dài lên đến 758km gồm:
(1) Đồng Đăng – Trà Lĩnh (75 km, Cao Bằng là cơ quan có thẩm quyền, đang lựa chọn nhà đầu tư);
(2) Lạng Sơn – Cửa khẩu Hữu Nghị (dài 60 km, bao gồm cả tuyến kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền, đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi);
(3) Tân Phú – Bảo Lộc (67 km, Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, đang trình Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi);
(4) Bảo Lộc – Liên Khương (74 km, Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi);
(5) Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình (26 km, Ninh Bình là cơ quan có thẩm quyền, đang lập chủ trương đầu tư);
(6) Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình (61 km, Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
(7) Gia Nghĩa – Chơn Thành (129 km, Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
(8) TP.HCM – Chơn Thành (60 km, Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị trình chủ trương đầu tư);
(9) TP.HCM – Mộc Bài (65 km, TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư);
(10) Hòa Bình – Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình (34 km, Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị phê duyệt nghiên cứu khả thi);
(11) Vành đai 4 TP.HCM (199 km, gồm 5 dự án độc lập, do 5 địa phương là cơ quan có thẩm quyền, 01 dự án qua Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 04 dự án đang chuẩn bị chủ trương đầu tư, khởi công địa phận Bình Dương trước, tiếp đến trên địa bàn các tỉnh, khoảng 100/199 km).